Theo đại từ điển tiếng Việt của giáo sư Nguyễn Như Ý, quê hương nghĩa là nơi gia đình, họ hàng làm ăn, sinh sống từ nhiều đời, có tình cảm gắn bó thân thiết với mình. Hán văn gọi là gia hương, cố hương, Anh văn gọi là hometown, homeland, hoặc native place. Trong văn học hai tiếng ấy luôn gợi lên những tình cảm thiêng liêng cao đẹp.
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người. (1)
Bài thơ trên diễn tả những nét thơ mộng của một thời niên thiếu và nhấn mạnh mỗi người chỉ có một quê hương như chỉ một người mẹ sinh ra mình. Điều này đã được những người sống xa nhà và nhận nơi đó là quê hương thứ hai chứng tỏ. Dù xa quê hương rất lâu, họ không thể nào quên được cố hương, ngay cả con cái của họ sinh ra tại xứ người, hấp thụ ngôn ngữ và văn hóa bản địa cũng luôn nhớ đến nguồn gốc là người Việt Nam và ước mong ngày nào đặt chân trên mảnh đất của cha mẹ mình.
Hầu như ngày về bao giờ cũng lưu lại những tình cảm dạt dào nơi tâm hồn của người viễn xứ ở bất cứ thời gian và không gian nào. Nếu chưa được toại nguyện vì hoàn cảnh nào đó thì nỗi ưu tư và lòng hoài vọng quê nhà vẫn không bao giờ nguội lạnh, nhà thơ Thôi Hiệu đã từng cảm tác :
Nhật mộ hương quan hà xứ thị ?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu. (2)
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai ? (3)
Hình ảnh của kẻ trở về sau nhiều năm xa cách được diễn tả qua hai không gian :
Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi,
Hương âm vô cải mấn mao suy.
Nhi đồng tương kiến bất tương thức,
Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai. (4)
Trẻ đi, già trở lại nhà,
Giọng quê không đổi, sương pha mái đầu.
Gặp nhau mà chẳng biết nhau,
Trẻ cười hỏi: “Khách từ đâu đến làng?” (5)
I left home young, I return old,
Speaking as then, but with hair grown thin;
And my children, meeting me, do not know me.
They smile and say : “Stranger, where do you come from ?” (6)
Căn cứ vào câu “Hương âm vô cải”, chúng ta biết được tình quê của tác giả vẫn nồng nàn sau thời gian dài xa quê hương, nhưng tác giả có gởi gắm tâm sự gì không ? Là đối tượng được chào đón nồng nhiệt hay lạnh nhạt ? Phải ở trong bối cảnh của tác giả mới hiểu hết tâm trạng và ẩn ý.
Trái ngược với bài Đường thi trên, hai kệ ngôn sau đây diễn tả ngày về của người đi xa lâu năm và được nghênh đón vui vẻ trong đời này cũng như đời sau. Đó là trường hợp những người đầy đủ phước trong đời này và sống tạo thêm thiện nghiệp cho đời sau.
Khách lâu ngày ly hương,
An toàn từ xa về,
Bà con cùng thân hữu,
Hân hoan đón chào mừng.
Cũng vậy các phước nghiệp,
Đón chào người làm lành,
Đời này đến đời kia.
Như thân nhân đón chào. (7)
Việc từ bỏ quê hương để chạy theo danh lợi phù hoa vốn là một điều trái với tâm trí của những nhà Nho trí thức xưa. Khi đã chán với cảnh bon chen vì tình người thay đổi thì lui về quê nhà sống cảnh nhàn là cách hay nhất để bảo trọng thân danh và tìm thấy không đâu vui thú bằng chốn điền viên như bài từ dưới đây :
Đi về sao chẳng về đi,
Ruộng hoang vườn rộng còn chi không về.
Đem tâm để hình kia sai khiến,
Còn ngậm ngùi than vãn với ai.
Ăn năn thì sự đã rồi,
Từ đây nghĩ lại biết thôi mới là.
Lối đi lạc chửa xa là mấy,
Nay khôn rồi chẳng dại như xưa. (8)
Cùng là ý không nên xa quê hương nhưng lời của Đấng giác ngộ có phần thanh thoát hơn và phạm vi cũng rộng lớn hơn. Chúng ta xem bài sau đây :
Này các tỷ kheo, chỗ nào không phải hành xứ tỷ kheo? Chỗ nào là cảnh giới của người khác? Chính là năm dục công đức. Thế nào là năm? Có các sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Có các tiếng do tai nhận thức … Có các hương do mũi nhận thức … Có các vị do lưỡi nhận thức … Có các xúc do thân nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các tỷ kheo, đây là chỗ không phải hành xứ của tỷ kheo, chỗ cảnh giới của người khác.
Này các tỷ kheo, hãy đi đến chỗ hành xứ của mình, chỗ cảnh giới của cha mẹ mình. Này các tỷ kheo, đi đến chỗ hành xứ của mình, đến cảnh giới của cha mẹ mình thời Ác ma không nắm được cơ hội, không nắm được đối tượng. Và này các tỷ kheo, chỗ nào là hành xứ của tỷ kheo ? Chỗ nào là cảnh giới của cha mẹ ? Chính là bốn niệm xứ. Thế nào là bốn ?
Ở đây, này các tỷ kheo, tỷ kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Trú quán thọ trên các thọ … Trú quán tâm trên tâm … Trú quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này các tỷ kheo, đây là chỗ hành xứ của mình, chỗ cảnh giới của cha mẹ mình. (9)
Cảnh giới của Ác ma chính là năm dục lạc và cảnh giới của cha mẹ mình chính là tứ niệm xứ. Đức Phật nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hành hành tứ niệm xứ là bảo vệ cho mình và bảo vệ người khác. Attānaṃ rakhanto paraṃ rakkhati, paraṃ rakkhanto attānaṃ rakkhati (Trong khi hộ trì cho mình, là hộ trì người khác, trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình.) (10)
Người thực hành tứ niệm xứ quan sát thấy rõ toàn bộ hoạt động của thân tâm, hướng về quê hương nội giới trên căn bản là các niệm xứ cho đến lúc chứng Vô vi giới, tức là sự thành tựu Niết bàn không để lại dấu vết. Ác ma là biểu trưng của phiền não dục (Kilesakāma), miếng mồi của nó là các vật dục (Vatthukāma) - Sắc, thinh, hương, vị, xúc. Ai rời bỏ quê hương nội giới sẽ bị Ác ma bắt, tức là bị cột trói trong các dục lạc này. Không sống với quê hương nội giới thì cũng không biết quý trọng quê hương ngoại giới. Đây là sự thật của đời sống. Đức Phật hỏi các tỳ kheo, thế nào là trong khi hộ trì người khác là hộ trì mình? Và Bậc đạo sư giải đáp “Chính do sự kham nhẫn (Khantiyā), do sự vô hại (Avihiṃsāya), do lòng từ (Mettacittatāya), do lòng bi mẫn (Anudayatāya). Như vậy, này các tỷ kheo trong khi hộ trì người khác là hộ trì cho mình.” (11) Những người mê say trong dục lạc, làm mọi cách để được sang trọng hơn người khác, thậm chí sản xuất những thực phẩm có chứa độc tố gây hại cho người tiêu dùng cũng bất kể, miễn sao có lợi nhuận nhiều về phần mình là được rồi. Những người này có lòng từ bi với người khác không? Có tình yêu quê hương không? Họ hoàn toàn vị kỷ nên không thể nghĩ đến hạnh phúc của người khác. Họ cũng không có tình yêu quê hương. Mỗi sản phẩm của họ sản xuất ra gieo mầm bệnh cho nhiều người, đầu độc những thanh niên chưa kịp đem tài trí phục vụ cho đất nước. Như vậy việc thực hành tứ niệm xứ là cách giúp mình thoát khỏi những cám dỗ của các dục lạc vật chất. Người thực hành không ham lợi nên là một người liêm khiết trong xã hội, không ham danh nên là một người chí công vô tư trong những công việc liên quan đến hạnh phúc của nhiều người. Càng thực hành tứ niệm xứ càng thanh lọc tâm nhiều hơn và dĩ nhiên sẽ giúp người nhiều hơn. Vì những lợi ích trên chúng ta hãy trở về sống với quê hương nội giới, tức là thực hành tứ niệm xứ và phục vụ tốt đẹp cho quê hương ngoại giới bằng cách hoàn thiện bản thân, thấy rõ vị ngọt của dục lạc chỉ là cái vỏ bọc đường của những viên thuốc độc, cho nên không ham mê trong đó. Hiểu rõ giá trị của thực hành, chúng ta sẽ sống vì người nhiều hơn. Người hành giả tứ niệm xứ không mê say trong đường danh lợi bất chính, dù hoàn cảnh nào cũng bảo vệ quê hương nội giới tươi đẹp hơn và khi quê hương nội giới được thiết lập vững chắc thì quê hương ngoại giới là nơi có những đêm trăng tỏ, có hoa cau rụng trắng ngoài thềm cũng khắc sâu vào lòng người dù trải qua bao thăng trầm của thế sự. Tôi xin kết thúc bài viết này với lời dạy thâm thúy của Đức Phật về sự tương quan giữa hai quê hương :
Attānaṃ, bhikkhave, rakkhissāmi satipaṭṭhānaṃ sevitabbaṃ; paraṃ rakkhissāmīti satipaṭṭhānaṃ sevitabbaṃ.
Này các tỷ kheo, tôi sẽ hộ trì cho mình, tức là niệm xứ cần phải thực hành. Này các tỷ kheo, tôi sẽ hộ trì người khác, tức là niệm xứ cần phải thực hành. (12)
Sư Pundariko
------------------------------
(1) Thơ Đỗ Trung Quân.
(2) Hoàng Hạc Lâu, Thôi Hiệu.
(3) Tản Đà dịch.
(4) Hồi hương ngẫu thư, Hạ Tri Chương.
(5) Trần Trọng San dịch.
(6) Witter Bynner dịch.
(7) Kinh Pháp cú 219 – 220, Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch.
(8) Quy khứ lai từ, Đào Tiềm, Từ Long Dịch.
(9) Tương ưng bộ kinh V, Tương ưng niệm xứ, trang 152, HT. Thích Minh Châu dịch.
(10 - 11) Tương ưng bộ kinh V, Tương ưng niệm xứ, trang 177, nt (như trên).
(12) Tương ưng bộ kinh V, Tương ưng niệm xứ, trang 179, nt.