Trùng tu di tích hay chuyện 'ăn cơm trước kẻng'

Với đà trùng tu ồ ạt như hiện nay, hàng loạt công trình cố gắng hoàn thành trước dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, chẳng biết đến khi nghị định mới ban hành, có còn di tích nào quý để mà trùng tu cho chuẩn? Có cách nào để "phanh" việc trùng tu này lại?

Mô tả ảnh.

Tam quan mang chức năng bức tường chắn (chùa Thiên Phúc - đường Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Trùng tu không cần yếu tố gốc?

Đi trên đường Hai Bà Trưng (Hà Nội), rất gần Cửa Nam, đập vào mắt sẽ là hình ảnh đang xây sửa rất quy mô của chùa Thiên Phúc. Không biết có phải vì ngôi chùa quy mô không lớn, khoảng sân hẹp lại nằm giữa khu phố phường tấp nập nên sợ bị khuất mắt không, mà cổng tam quan đang được dựng lên hết sức đồ sộ, không chút tương xứng với không gian khiêm nhường bên trong chùa và mang vẻ phô trương hơi thái quá với bên ngoài.

Mô tả ảnh.
Tam quan-Gác chuông? (chùa Tứ Liên-Hà Nội)
Chùa Tứ Liên dọc đường Âu Cơ lại là một hình ảnh khác. Khó mà định danh được công trình bằng gỗ hoành tráng đang được gấp rút hoàn thành là gác chuông hay tam quan? Nếu suy luận theo cách, mặt chính của chùa quay ra phía hồ, mặt sau quay ra đường Âu Cơ, thì đây sẽ là gác chuông. Nhưng gác chuông lạ mắt thế này thì lần đầu tiên người dân Hà Nội có dịp được thấy. Hỏi những người dân sống quanh chùa, câu trả lời nhận được là "tam quan - gác chuông". Vào trong khuôn viên chùa, lại thêm ngạc nhiên chút nữa khi nhìn thấy 2 con sư tử đá bề thế nhưng lạc lõng với cảnh chiền.

Đến chùa Hòe Nhai được quảng bá đang "đại trùng tu" trên phố Hàng Than lại bắt gặp hình ảnh rất "lạ mắt" của một cột trụ ốp gốm sứ bề thế, cùng nhà kinh viện bằng gỗ nhưng lại nổi bật bởi những cột đá lạc lõng.

Cho qua như một sự đã rồi?

3 ngôi chùa nằm trên địa bàn 3 quận nội thành Hà Nội đều là những di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia. Việc trùng tu diễn ra khá rầm rộ, nhưng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) chưa hề được "hỏi ý kiến" về việc trùng tu chùa Thiên Phúc và chùa Tứ Liên.

Riêng với chùa Hòe Nhai, cột trụ và nhà kinh viện đã xây từ năm 2007 mà không hề có thỏa thuận của Bộ VH-TT-DL, bởi biên bản thỏa thuận của Bộ chỉ được Thứ trưởng Trần Chiến Thắng ký vào ngày 31/10/2008, với các hạng mục: Tu bổ Tam bảo, Nhà khách, Tam quan, Cổng phụ và các hạng mục phụ trợ. Những hạng mục đã xây từ lần trước, Cục Di sản văn hóa cũng đành phải cho qua như một sự đã rồi.

Có thể khẳng định, câu chuyện trùng tu di tích ồ ạt với quy mô lớn mà không cần thỏa thuận không chỉ diễn ra ở những ngôi chùa mà VietNamNet điểm tên trong bài viết này. Cục Di sản văn hóa có thấy cũng không thể ra tay, bởi theo quy trình trùng tu hiện hành, Cục Di sản văn hóa sẽ chỉ thỏa thuận trên cơ sở hồ sơ dự án hoặc hồ sơ thiết kế được chủ đầu tư gửi Bộ VH - TT - DL để yêu cầu thỏa thuận. Vậy là, Cục Di sản văn hóa có thấy các di tích đang trùng tu ồ ạt, cũng chỉ nhắc nhở xuống Sở VH - TT - DL tỉnh/thành phố cho "đúng quy trình", chứ không thể - và cũng không đủ sức với tay xuống mấy nghìn di tích quốc gia ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước.

Mô tả ảnh.

Hàng cột hiên bằng đá và cây trụ được ốp mảnh gốm (Kinh viện chùa Hoè Nhai-Hà Nội). Ảnh: Lê Anh Dũng.

Vậy là, có những di sản quý của quốc gia lặng lẽ bị thay thế bởi những công trình to hơn, lạ hơn nhưng chẳng có chút giá trị nào. Những người yêu di sản có thấy, có đau lòng, cũng chẳng biết kêu ai? Luật Di sản đầu tiên có hiệu lực từ 1/1/2002, dưới luật có Nghị định 92, rồi Bộ VH-TT-DL còn ra thêm quy chế 05 để quản lý việc trùng tu di tích, nhưng văn bản theo lý thuyết thì vẫn cứ có hiệu lực, còn di tích nếu muốn vẫn có thể trùng tu mà không cần theo quy trình?

Từ đầu đến giờ, bài viết đặt trên giả thiết rằng quy trình trùng tu di tích hiện tại, nếu được thực hiện nghiêm túc, sẽ là cơ sở pháp lý đủ mạnh để đảm bảo các di tích được trùng tu chuẩn xác về khoa học và đẹp về thẩm mỹ. Thế nhưng...

Còn nhớ, trong buổi họp báo "Thông báo kết luận thanh tra, kiểm tra công tác trùng tu, tôn tạo di tích tại một số tỉnh, thành phố phía Bắc" (tổ chức vào chiều 19/5), chính Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trần Chiến Thắng cũng công nhận: "Do việc trùng tu hiện đang theo quy định của Luật xây dựng, đơn vị đấu thầu thi công đưa ra giá rẻ nhất sẽ thắng thầu, bất kể việc họ có kinh nghiệm hay không(?) Cũng như việc nhiều công trình mới được trùng tu đã có dấu hiệu rạn nứt là do chủ đầu tư không được phép mua vật tư, chỉ sau khi được phê duyệt dự án thì nhà thầu mới mua vật tư, gỗ chưa kiệt đã đưa vào xây dựng công trình, trong khi ngày xưa các cụ phải ngâm gỗ dưới ao 3 năm thì mới vớt lên xây nhà".

Một vấn đề mới sẽ được đặt ra từ đây, rằng cơ chế pháp lý của việc trùng tu hiện tại chưa chuẩn, khiến nhiều di tích dù được trùng tu đúng quy trình nhưng vẫn đầy lỗi.

Có cách nào "phanh" việc trùng tu ồ ạt lại?

Luật Di sản văn hóa sửa đổi (đã được Quốc hội khóa 12 thông qua vào ngày 18/6/2009, và sẽ có hiệu lực từ 1/1/2010) đã quy định phải có quy chế riêng cho việc tu bổ di tích, tránh được những bất cập hiện tại, như việc giám sát phải diễn ra liên tục chứ không thể chờ hậu kiểm, những người tham gia trùng tu di tích phải có kinh nghiệm, có chứng chỉ hành nghề do Bộ cấp. Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, đây sẽ là một nghị định do Thủ tướng Chính phủ ký, và Bộ đang chuẩn bị nghị định từ bây giờ, để kịp cho việc ban hành trong thời gian sớm nhất trong năm 2010 (sau khi Luật có hiệu lực).

Nhưng với đà trùng tu ồ ạt như hiện nay, với hàng loạt công trình cố gắng hoàn thành trước dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long (10/2010), chẳng biết đến khi nghị định mới ban hành, có còn di tích nào quý để mà trùng tu theo đó? Có cách nào để "phanh" việc trùng tu lại chờ quy chế mới tốt hơn không?

Khánh Linh

Nghệ thuật: