Những việc không nên làm với chùa Trấn Quốc

Cái cổng thấp nhỏ làm khách thập phương đi qua phải cúi xuống tăng thêm sự uy nghiêm. Len qua hành lang bé tý vẫn còn sân trong, bể nước mưa rêu xanh rì, bước ra thấy cửa Tam bảo mở toang để oà vào trời nước mênh mông, ấy là thủ pháp không gian bậc thầy...

Dang dở vì áo cơm đè nặng hai vai...

Còn nhớ, mùa thu năm 1999, Hội KTS Hà Nội phát động cuộc thi “Kiến trúc sư Hà Nội và các công trình hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long". Rất đông anh em trong hội đã tham gia nhiệt tình. Cuối năm cũng chọn được hơn một chục đề tài tiêu biểu để nghiên cứu sâu hơn.

Có một đề tài mang tên: "Tổ chức thông tin di sản kiến trúc Hà Nội", nội dung là cóp nhặt các bản vẽ ghi, ảnh chụp các công trình kiến trúc Hà Nội xây dựng từ thế kỷ 18, 19 đến nửa đầu thế kỷ 20.Tư liệu này sẽ được quét vào máy tính rồi đưa lên mạng để mọi người cùng thưởng lãm…

Bắt tay vào mới thấy kho tư liệu đồ sộ, vì vậy mọi người bảo nhau rút gọn, cuối cùng cũng có vài trăm bức ảnh, vẽ ghi vài chục cái cổng làng xóm, chùa cổ trên mấy làng cổ ven Hồ Tây, phía Đông bắc Kinh thành Hà Nội xưa: Trích Sài, Võng Thị, Yên Thái, Đông Xá, Hồ Khẩu… Nhưng rồi chuyện cơm áo đè nặng hai vai, lại là việc không thù lao, anh em dần tan tác, nhiệt tình cũng giảm. Báo cáo kết quả đôi ba năm rồi đành… để đấy, xin hẹn lại với mai sau.

Xin giới thiệu vài hình ảnh chúng tôi đã thực hiện ngày ấy: 

 

Cổng chùa Kim Liên chụp trước năm 1993 - Lúc đó chưa có khách sạn xây chắn cổng chùa. (Nguồn Hanoi Data)

 

Đền Vệ Quốc của làng Hồ Khẩu nằm trên đường Thuỵ Khuê , vẽ phục dựng theo bản đồ 1936. (Nguồn Hanoi Data)

Làm cho cảnh chùa gần hơn với đường là rất sai lầm!

 

Chùa Trấn Quốc -ảnh chụp không ảnh năm 1977- Cửa hàng bánh tôm Hồ Tây mới chỉ là cái lều bằng gỗ lợp tôn, chưa xây to vật vã như bây giờ.(Nguồn Hanoi Data)

Mới đấy mà chỉ còn hơn một năm nữa là tới đại lễ 1000 năm Thăng Long. Cuối tháng 6/2009, chùa Trấn Quốc đã được khởi công lấy ngày. Nhìn bản vẽ treo trước cổng chùa làm chúng tôi không khỏi lo lắng và đã có vài lời trần tình.

Giá như có nhân duyên chuẩn bị công việc này, tôi sẽ thỉnh giáo các bậc cao tăng: Cảnh chùa có nên lánh đi một chút khỏi chốn trần ai bằng lùm cây um tùm như bức ảnh chụp năm 1940? Cổng chùa hiện nay vốn mới xây nên không giá trị, ta có nên làm lại cổng chùa theo kích thước xưa: nhỏ nhắn nhưng tinh tế như ảnh tư liệu đã rõ? Tường rào loè loẹt với hàng con tiện giả, ta thay bằng gạch gốm hình hoa thị, men mầu lam với hoạ tiết thời Lý, Trần trông có ổn hơn không? Hộp đèn với mái vểnh xa lạ nên bỏ đi cho thuận mắt. ”Ngũ sắc làm lóa mắt , ngũ thanh làm chói tai…” những sắc mầu trầm đục, khiêm nhường, kín đáo thích hợp với cảnh chùa xưa nay ta nên vận dụng.

Hai bên hành lang, hồ sơ ghi là làm thêm không giá trị. Do bản vẽ ghi hiện trạng sơ sài nên không biết người khảo sát căn cứ vào đâu để kết luận là không có giá trị và mới xây thì ai xây, xây vào thời gian nào cũng cần cẩn trọng... Mặt bằng hiện trạng cho thấy các khối nhà đặc, rỗng khá ổn; tỷ lệ nhỏ bé các công trình nhìn thấy từ đường Thanh Niên là quan trọng, giảm nhỏ đi càng tốt, để ẩn dưới tán cây thì thật tài tình.

Xây mới hành lang to rộng tại đây làm cho cảnh chùa gần hơn với đường là rất sai lầm. Đối xứng bên kia, dãy hành lang có chức năng như Trai đường (vì đóng kín bởi tường và cửa) – nó vốn lọt vào trong, thông với cửa ngách Tam bảo. Nay xây mới ốp ra ngoài đầu hồi làm bé đi khoảnh vườn sát mép nước cũng là việc không nên.

Cổng (C3) hiện trạng cao hơn 3m, nay định làm mới hai tầng mái cao 4,78m. Cổng mới cao cộng với hai hành lang xây lớn hơn cũng cao hơn làm tỷ lệ của cái phụ lớn lên, ắt làm ngôi chính (Tam bảo) nhỏ lại - vậy là không cân đối nữa rồi. Cổng xưa thấp thế thôi, vì ngưòi Việt xưa nhỏ, nay nếu người Việt cao hơn, đông hơn nên cổng phải to, chùa phải lớn - tất nhiên là vậy, nhưng nếu cần to lớn thì ta xây mới ở Bái Đính (Ninh Bình) hay Đại Nam Quốc tự (Bình Dương) chứ ở Chùa Trấn Quốc thì những sự gia tăng kích thước là điều cấm kỵ.

Cái cổng thấp nhỏ làm thập phương đi qua phải cúi xuống tăng thêm sự uy nghiêm. Len qua hành lang bé tý vẫn còn sân trong, bể nước mưa rêu xanh rì, bước ra thấy cửa Tam bảo mở toang để oà vào trời nước mênh mông, ấy là thủ pháp không gian bậc thầy của ngưòi xưa đấy.

Bờ kè sụt lở thì cần củng cố, nhưng chớ xây cao mà nên để nước mấp mé bụi cây. Nhà vệ sinh hư hỏng thì cần sửa sang lại, nếu có thể làm ngầm đi thì quý quá.

Tháp xây mới nên nhỏ hơn tháp cũ và nép dưới các tán cây. Ngôi tháp cao màu đỏ gạch làm giống tháp chùa Liên Phái, khi xây vốn đã có nhiều phàn nàn, nay cắt thấp xuống và xếp gọn một cách khiêm nhường sẽ làm khung cảnh nơi đây quay trở lại với nguyên giá trị ban đầu.

Đừng để tương lai trách móc chúng ta

Chỉ với chùa Trấn Quốc đã thấy nhiều vấn đề. Với chiến dịch làm mới di tích có tên “Công trình tiến tới kỷ niệm…” hàng loạt đình chùa Hà Nội đang hối hả thi công, nếu làm như cách chùa Trấn Quốc thì thật rất lo ngại. Xem hồ sơ dự án, phần mô tả hiện trạng thì thấy trình bầy rất đại khái, nhận định đánh giá khá chủ quan. Cơ sở nguyên bản để phục hồi di tích như vậy thì kết quả chỉ là huỷ hoại di tích. Những di sản khắp thế giới được phục chế trong vài năm thậm chí vài chục năm là chuyện bình thường. Vài trăm ngày là thời gian quá ngắn cho một công trình quý. Thời gian gấp vậy, nên chăng  dành cho việc khảo cứu, sưu tầm tư liệu đưa ra phương án và thảo luận một cách thấu đáo về nên bảo trì , tôn tạo di tích ra sao có lẽ là phù hợp hơn. 

Bạn KTS, bạn thật hạnh phúc khi được lựa chọn sang trọng: tác phẩm của bạn sẽ ghi dấu thời khắc trọng đại lịch sử Thành phố của chúng ta. Nhưng nếu các bạn tiến hành công việc ấy một cách tình thế, cẩu thả để nhanh chóng thay thế những đồ vật sản xuất hàng loạt, vô hồn vào những vị trí để lại dấu tích của lịch sử, đem lời nhắn gửi từ quá khứ đến hôm nay thì thực sự các bạn đang mang sự bất hạnh cho thành phố này.

Không chỉ chùa Trấn Quốc, bạn trẻ nào có nhân duyên với những công việc tương tự, các bạn nên vẽ ghi lại thật cẩn thận những gì sẽ làm mới nay mai. Chúng ta sẽ tập hợp lại những ký ức bằng hình ảnh, bản vẽ thật trung thực từng viên ngói, thanh kèo, những mảnh đắp vữa vôi, những dòng chữ mà ta không hiểu hết ý nghĩa. Nếu không may chúng ta không ngăn cản được phong trào phá di sản làm mới di tích, thì mai này con cháu chúng ta có thể phục chế lại gần như nguyên trạng nhờ những ghi chép tỉ mỉ hôm nay. Chúng sẽ bớt trách móc chúng ta nhờ những việc làm không mấy tốn kém trong khả năng có thể.

Di tích Hà Nội là vốn văn hoá của cả nước,  được gây dựng nhiều đời và không có giới hạn về thời gian nào cần quan tâm săn sóc: từ xa xưa đến hôm nay và mãi sau này. Hà Nội và cả nước có nhiều thế hệ các chuyên gia kinh nghiệm, những nhà nghiên cứu nghiêm túc, các nghệ nhân, hoạ sĩ. Nhiều ngưòi có kiến thức sâu rộng về di tích. Họ rất sẵn lòng đóng góp để làm giàu thêm vốn quý văn vật đất Thăng Long.

Các bạn KTS, các bạn có can đảm chia sẻ cái vinh dự được làm các công trình hướng đến 1000 năm Thăng Long đến với đông đảo những người yêu quý, gắn bó với Hà Nội không? Nếu có thể, bạn hãy lấy VietNamNet làm cầu nối để có được một cuộc thảo luận chân tình vì Hà Nội nghìn năm bền vững.

 

 

KTS Lê Văn Lân - Phó Chủ tịch Hội KTS Hà Nội

Không nên quay 180 độ với quá khứ

Tuy không được xem các bản vẽ thiết kế, chỉ qua một số hình ảnh ở tấm panô quảng cáo, tôi thực sự đã ngạc nhiên về giải pháp xử lý kiến trúc đối với một di tích quý giá vào bậc nhất của đất nước.

Việc chùa lâu ngày xuống cấp, phải chữa thì chẳng cần phải nói, nhưng có thể là hình ảnh đô thị hối hả xây dựng ngoài kia, hình ảnh của những ngôi chùa đồ sộ gần đây như Non Nước, Bái Đính... đã cuốn hút và làm chúng ta chạnh lòng bức xúc, đến mức ngồi trên một đống vàng mà cứ tưởng mình nghèo xác, cứ mơ về một cái gì giống người, được như người, mặc cho phải trút bỏ cái quý giá mình có.

Trấn Quốc, ngôi chùa nổi tiếng, hình ảnh từng hằn sâu vào ký ức mỗi người từ còn trẻ thơ, trước hết vì giá trị lịch sử lâu đời, tiếp theo là hình ảnh nên thơ và dung dị giữa một vùng hồ bao la. Sát nơi đô thị ồn ào, mà vẫn giữ cho mình sự tách biệt, một thế giới rời xa trần tục... Chẳng có ai nghĩ về chiếc cổng chùa to hay nhỏ, chẳng nằm giữa khu đất, chỉ ở một góc khiêm tốn. Nhưng xin hãy đừng nhìn chiếc cổng ấy mà loại bỏ cái mênh mang của trời nước phía sau. Từ khoảng trống ấy, ta mới được xao xuyến với tiếng thu không, với nhịp chày Yên Thái, và chói lòa trước những buổi chiều tà. Sao lại không yêu cho được con đường nhỏ vào chùa, mà phải bỏ đi, để lặp lại cái cách vào của đền Ngọc Sơn, của đảo Hòa Bình... nhưng với một chiếc cầu chẳng mấy tao nhã.

Ngôi chùa không lớn, thì cần gì một ngôi nhà gọi là tam quan, với mặt bằng và chiều cao đến vậy! Nhìn chung, giải pháp cho khu chùa về đường Thanh Niên quá nặng tính chất tiếp thị cổ động, như đã quay hẳn 180 độ với những gì đã có trong quá khứ.

KTS Trần Huy Ánh - KTS Nguyễn Đình Thanh (Hội viên Hội KTS Hà Nội)

Lịch sử: