Nhớ chùa Kim Liên

Khi còn bé, mỗi lần thấy cô đơn, tôi lại chạy ra cánh đồng sau nhà, chạy thật xa, cho đến khi biết mình chỉ còn là một chấm nhỏ trên đồng.

 

Tôi ngồi đó, cho đến khi nỗi ám ảnh về những con ma buộc tôi phải đứng dậy. Tôi đã xả những hờn giận của tuổi thơ tôi như thế. Không rõ là nỗi sợ hãi những con ma đi dạo đã đẩy lùi những hờn giận đó, hay mùi vị tĩnh lặng của cánh đồng đã khiến tôi quên đi mọi thứ. Tôi thường nhớ nó da diết mỗi lần đi xa, tưởng như không thể sống nổi nếu thiếu nó vậy.

Thế rồi tôi đã xa nó thật. Hóa ra những “cái tưởng” của tuổi thơ không phải lúc nào cũng đúng. Tôi đã sống thiếu cánh đồng đó suốt những năm sinh viên, dù đôi khi gần như tuyệt vọng trong cái thành phố Hà Nội chật chội và ồn ào, tôi thấy như mình lúc nào cũng phải đứng một chân, chông chênh và bất định. Tôi bắt đầu tìm đến những ngôi chùa nằm lẩn khuất trong những ngõ nhỏ của thành phố, ở nơi ấy tôi thấy được sự yên tĩnh của cánh đồng tuổi thơ. Đến đấy tôi không còn sợ hãi những con ma rủ nhau đi dạo vào lúc giữa trưa nữa, tôi có thể ngồi cả ngày mà không sợ ai làm phiền,say đắm mùi hương khói tỏa ra từ bàn thờ Phật.

KL.jpg

Một góc chùa Kim Liên

Ngôi chùa Kim Liên nằm trong lòng Thủ đô có một nét gì đó rất riêng, mang trong mình sự kỳ bí của lòng người, sự mê đắm không chỉ thuần tôn giáo của những con người muốn tìm một nơi để lánh khỏi tiếng còi xe, khói bụi, tìm sự tri âm lặng lẽ của một người bạn thơ ấu. Đến nơi này, cái đẹp và sự tinh tế sẽ không còn quá quan trọng, chỉ là một khoảng lặng xinh đẹp trên khuông nhạc ồn ào đầy cám dỗ. Để đi dạo trong chùa, người ta phải đi men theo những lối đi nhỏ, men một cách cẩn trọng, khẽ khàng, thấy bước chân của mình bỗng nhẹ như bước chân của một ni cô. Chùa Kim Liên như thể biết nép mình nằm ngay ngắn hơn trong diện tích chật hẹp hiếm hoi bên Hồ Tây. Những ni cô nhỏ bé chăm sóc cho nơi này như cách một người vợ chăm sóc cho ngôi nhà chật hẹp của mình vậy, mọi thứ thật xinh, thật gọn gàng và thân thiết. Có nhiều họa sỹ đến đây, những chàng họa sỹ tóc dài và hay buồn phiền vì một cơn gió thường vẽ mái nhấp nhô, nét hình luôn khiến những kẻ dễ si mê nao lòng. Những ni cô xuất hiện trong tranh của họ như những đóa hoa thật buồn. Họa sỹ là thế, họ luôn tiếc mọi thứ trên đời, họ mong muốn ôm trọn mọi cái đẹp trên đời và khóc thương vì nó.

Ni cô trong chùa kể rằng, chùa là nền cũ của cung Từ Hoa, con gái vua Lý Thần Tông, thuộc trại tằm Tang. Vua dựng cung Từ Hoa cho công chúa và các cung nữ ở đó để thấu hiểu thêm công việc đồng áng vất vả mà thấy rõ hơn giá trị ngôi tôn quí của mình. Quả là ngôi chùa mang dáng dấp của một người con gái, sự dịu dàng của nó chỉ có thể giải thích bằng những giai điệu rất giản dị về một người con gái đẹp, thơm tho mà uyên bác.

Chùa Kim Liên còn đẹp vì có những cây dừa duyên dáng, những cây dừa không mang đặc trưng của những mã văn hóa gắn với chùa chiền miền bắc. Chúng làm lao xao mặt hồ, làm cho Kim Liên như chìm sâu hơn trong tiếng mõ tiếng kinh, những âm thanh của sự hóa giải và yên bình. Tôi thường ngước nhìn những cây dừa, tìm sự lãng mạn trong lòng mình và tự hỏi sự trẻ trung trong con người tôi đang ở nơi nào. Tôi bỗng thấy mình già đi thật nhiều, ni cô trong chùa cũng nói với tôi điều đó, rằng sự tự ngắm nhìn khiến người ta già đi rất nhanh, họ khuyên tôi nên hỉ xả với chính mình. Nhưng tôi thực hành việc yêu thương chính mình hàng ngày không được. Tôi cứ mãi đày đọa mình, buộc mình phải suy nghĩ và đổ lỗi cho sự kém cỏi của mình.

Có đợt, tôi đến chùa Kim Liên thường xuyên đến mức, tôi trở nên phụ thuộc và yếu đuối mỗi khi không đến được đó. Tôi nhớ cây khế nhỏ và chiếc ghế đá mà tôi hay ngồi, cảm thấy một niềm đam mê không lý giải nổi cứ bám riết lấy mình. Tôi cứ thấy nhớ nhung những viên ngói xám, sự hiền hòa của những chiếc lá và cách mà những viên gạch trong chùa đón nhận bước chân tôi, nó mang lại cho tôi sự thanh thản của tuổi thơ và sự yên ổn của một kẻ đã trưởng thành và ý thức được những nỗi đau trong cuộc sống. Bên ngoài, chỉ cách vài chục mét, qua bên kia chiếc hồ nhỏ là con đường đê chất đầy những tiếng còi xe, phía bên này, khách sạn InterContinental nằm kiêu hãnh trên mặt nước Hồ Tây, thực thi công việc phục vụ những khách quốc tế đến Việt Nam. Ngôi chùa Kim Liên nhỏ bé như trở nên xinh đẹp hơn, vẻ đẹp đầy sự cuốn hút huyền bí của tôn giáo.

Nhưng rồi niềm đam mê ấy cũng qua đi. Tình yêu của tôi đối với ngôi chùa lại trở về nhịp điệu nhẹ nhàng và sâu sắc hơn. Tôi vẫn thấy nhớ rất nhiều những cây hoa lan mà các nhà sư trồng trong chùa, những bông lan lớn lên trong hương khói cũng như ngấm mõ ngấm kinh, yên lặng khác thường. Tôi vẫn nhớ đến những cây cột chống để mái chùa khỏi sập, tôi nhớ cả mùi vị tàn giấy bay ra mỗi lần có người đốt mã... Nhưng đã qua rồi cái thời tôi yêu ngôi chùa như thể yêu một cứu cánh của những nỗi khổ đau của mình. Bây giờ, tôi coi nó như một người bạn, một người bạn biết lắng nghe và duyên dáng. Tôi đã thôi nhớ da diết hình ảnh những con người trầm lặng tìm đến nơi này để nhìn ngắm hồn mình. Tôi thấy mình như đã biến thành họ rồi, biến thành một ni cô đeo vòng gỗ và yêu quý tất cả mọi người.

Dù chùa Kim Liên ngày ấy giờ chỉ còn cổng tam quan vẫn hiền hòa đứng đó, bộ mái lợp ngói vảy cá nhiều tầng, ở giữa đột ngột vươn cao như bông sen tỏa nở trên mặt nước Tây Hồ mênh mang bốn mùa sóng phủ. Tôi vẫn nghe tiếng kinh cầu vọng ra từ trong sân, nơi có những cây lan nhỏ. Tôi ngồi dưới bóng khế, nghe vị kinh kệ lan khắp người. Trong lòng tôi, chùa Kim Liên đã là một người bạn từ lâu rồi.

 

Thùy Ninh (Theo KTĐT)

Lịch sử: