Khái quát về nguồn gốc kinh A-hàm

Từ ngữ A-hàm (Agama) nói theo nghĩa rộng là chỉ cho những giáo thuyết được truyền thừa, hoặc các Thánh điển do sưu tập các giáo thuyết ấy tạo thành. Do vậy, thông thường nói Kinh A-hàm tức chỉ cho 4 bộ hoặc 5 bộ Thánh điển của Phật giáo Nguyên thủy.

 

Phật giáo Nguyên thủy là thời đại giáo pháp còn nhất vị, giáo đoàn còn thống nhất, chưa phân chia thành bộ phái, tức trong khoảng thời gian từ khi Ðức Phật bắt đầu thành lập giáo đoàn, hoằng dương giáo lý cho đến 100 năm (hoặc 200 năm) sau khi Phật nhập diệt. Kinh điển trong thời kỳ này bao hàm hình thái nguyên thủy nhất của giáo thuyết Phật-đà. Ðây là cơ sở giáo lý căn bản của Phật giáo Ðại thừa, Tiểu thừa sau này.

 

Cuối thế kỷ XIX, các học giả phương Tây bắt đầu nghiên cứu các kinh điển Pàli, lấy Phật giáo phương Nam làm chính. Trước đó, các học giả Trung Quốc và Nhật Bản chẳng những không biết có sự tồn tại của Thánh điển Pàli mà cũng chưa hiểu rằng Thánh điển này giống với Kinh A-hàm, tức Kinh Phật Hán dịch xưa nay được quen gọi là "Kinh Tiểu Thừa". Vì thế, kể từ khi Kinh A-hàm bị phán thích là kinh điển thuộc về Tam Tạng giáo của Tiểu thừa, có giáo nghĩa thấp nhất trong "Ngũ thời Bát giáo" của Ðại sư Trí Khải đời Tùy cho đến nay thì giá trị Kinh A-hàm bị các học giả và các nhà tôn giáo xưa nay coi thường.

 

Về tên gọi và thời đại của Phật giáo Nguyên thủy, trong giới học giả có nhiều ý kiến khác nhau. Ðầu tiên, học giả người Anh là Thomas William Rhys Davids (1843 - 1922) gọi là Early Buddhism. Sau đó, một học giả người Nhật Bản là Kimura Taiken chính thức dịch từ ngữ "Early Buddhism" là Phật Giáo Nguyên Thủy (trong tác phẩm Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận, xuất bản năm 1924). Tiếng Anh của "Phật giáo Nguyên thủy" đáng lẽ phải là "Primitive Buddhism", nhưng vì từ Primitive ngoài các ý nghĩa: Ðầu tiên, trước nhất, nó còn bao hàm các nghĩa: Nguyên thủy, Thời kỳ đầu chưa được khai hóa... Do đó dễ bị xem là từ ngữ có hàm ý thấp kém, vì thế các học giả phương Tây thường tránh dùng, mà sử dụng từ ngữ "Early Buddhism".

 

Một học giả người Nhật khác là ông Tỷ Kỳ Chánh Trị thì cho rằng nếu Early Buddhism chỉ cho Phật giáo ở thời kỳ đầu tiên (tức thời đại của Phật và các đệ tử của Ngài) thì đáng lẽ phải dịch là "Phật giáo Căn bản" (Basic Buddhism). Các học giả khác của Nhật Bản và Trung Quốc, nổi tiếng như ngài Ấn Thuận... cũng đồng quan điểm trên.

 

Nói theo các văn hiến hiện còn thì thời đại Phật giáo Căn bản, 4 bộ (hoặc 5 bộ) A-hàm chưa được kiết tập, cho nên nói một cách nghiêm túc, do sự thiếu sót các văn hiến Phật giáo Căn bản, nếu không tìm tòi trong các Thánh điển được tập đại thành vào thời đại Phật giáo Nguyên Thủy thì không thể nào mở ra con đường nghiên cứu Phật giáo Căn bản. Các học giả Trung Quốc, Nhật Bản gần đây thường căn cứ vào các tạng kinh bằng tiếng Pàli, tiếng Hán, tiếng Phạn và tiếng Tây Tạng để nghiên cứu Phật giáo Căn bản. Còn các học giả phương Tây do thiếu khả năng xem đọc tiếng Hán nên phải nghiên cứu bằng tiếng Pàli, khiến cho kết quả nghiên cứu có chỗ chênh lệch, nhưng nhờ sự trợ giúp của Ngôn ngữ học, Khảo cổ học và Tư tưởng sử trên tinh thần và phương pháp học thuật có khuynh hướng nghiên cứu với thái độ phê phán, nên rất được xem trọng.

 

Bất luận Căn bản hay Nguyên thủy, tư tưởng trọng tâm của giáo pháp Ðức Phật chính là học thuyết Duyên Khởi. Tư tưởng "Nghiệp" và "Giải thoát" y cứ vào Áo Nghĩa Thư của Ấn Ðộ, đồng thời sử dụng tư tưởng "Chúng sinh bình đẳng" của Kỳ-na giáo và sự sáng tạo độc đáo của việc cầu đạo chứng ngộ. Tất cả giáo pháp của Ðức Phật đều lấy luận thuyết Duyên Khởi làm tiêu chuẩn, gồm 4 phần:

1- Ba pháp ấn (hoặc 4 pháp ấn).
2- Mười hai nhân duyên.
3- Bốn đế.
4- Ðạo tám Chánh.

Ở Ấn Ðộ, tuy các tư tưởng triết học đã thịnh hành rất sớm, nhưng tuyệt nhiên không có luận thuyết Duyên Khởi, các tôn giáo hoặc triết học khác trên thế giới cũng không có, nên Duyên Khởi được xem như đặc trưng cơ bản của Phật giáo.

 

Từ nhận định cơ bản trên, ta bắt đầu đi vào nghiên cứu Kinh A-hàm. Có lẽ việc xác định vị trí, thời gian của một kinh điển nào đó ra đời là cách tốt nhất để tránh lầm lạc, chắp vá và thiên kiến.

 

Từ "A-hàm" (Agama) được các học giả cận đại giải thích là: Lai trước, Thú quy, Tri thức, Thánh ngôn, Thánh huấn tập, Kinh điển. Hán dịch của từ Agama cũng rất nhiều: Pháp quy, Pháp bản, Pháp tạng, Giáo pháp, Giáo phần, Chủng chủng thuyết, Vô tỷ pháp, Truyền giáo, Tịnh giáo, Thú vô, Giáo, Truyền, Lai, Tạng v.v...

 

Thiện Kiến Luật Tỳ-Bà-Sa 2 thì cho A-hàm nghĩa là dung chứa, tụ tập. Nhưng nghĩa này có thể là chỉ cho từ "Nikàya" trong tiếng Pàli (nghĩa là tập hội, toản tập) chứ không phải từ Agama.

 

Pháp Hoa Luận Sớ có nêu lời giải thích của ngài Ðạo An đời Ðông Tấn rằng A-hàm là "Thú vô", vì tất cả pháp đều hướng về pháp "Không" cứu cánh. Còn ngài Tăng Triệu thì giải thích A-hàm là Pháp quy. Thực ra, những lối giải thích trên đều không đúng với chánh ý của A-hàm.

 

A-hàm thuộc về giáo thuyết truyền thừa, được tập đại thành sau khi Ðức Phật nhập diệt. Ðây là nội dung của Kinh Tạng (Phạn: Sùtrànta-pitaka) trong 3 tạng, chia làm Tứ A-hàm hay Ngũ A-hàm.

 

"Tứ A-hàm" là Trung A-hàm, Trường A-hàm, Tăng Nhất A-hàm và Tạp A-hàm (hoặc Tương Ưng). Ðây là từ ngữ được các kinh sau đây đề cập đến: Kinh Bát-nê-hoàn quyển hạ, Hữu Bộ Tỳ-nại-da Tạp Sự 39, Luận Ðại Trí Ðộ, Luận Du-già-sư-địa 85, kinh Ðại Bát-niết-bàn 13 (bản Bắc), Kinh Ðại Thừa Ðại Tập Ðịa Tạng Thập Luân 2 v.v...

 

"Ngũ A-hàm" là Trường A-hàm, Trung A-hàm, Tăng-thuật-đa (Tương Ưng), Ương-quật-đa-la (Tăng Nhất) và Khuất-đà-ca (Tạp loại). Từ ngữ này được ghi trong Thiện Kiến Luật Tỳ-bà-sa 1, Ðại A-la-hán Nan-đề-mật-đa-la Sở Pháp Trụ Ký v.v...

 

Luật Ngũ Phần 30, Luật Ma-ha Tăng-kỳ 32, Luật Tứ Phần 5, Luận Phân Biệt Công Ðức 1 v.v... gọi Khuất-đa-ca A-hàm là Tạp Tạng trong 5 bộ A-hàm. Năm bộ này tương đương với 5 bộ kinh (Pãnca-Nikàya) trong kinh Phật bằng tiếng Pàli.

 

Theo Tỳ-nại-da Tiểu Phẩm (Vinaya-cùlavagga), Nhất Thiết Thiện Kiến (Samanta-pàsàdika 1) và bài tựa của Trường Bộ Kinh Chú (Sumangala-vilàsinĩ), 5 bộ kinh là: Digha-Nikàya, Majjhima-Nikàya, Samyutta-Nikàya, Anguttara-Nikàya và Khuddaca-Nikàya, tương đương với 5 bộ: Trường, Trung, Tương Ưng, Tăng Chi và Tiểu Bộ Kinh hiện nay.

 

Về sự truyền thừa của hệ A-hàm, theo bài tựa của Trường Bộ Kinh Chú, sau khi kết tập lần thứ nhất, Trường Bộ Kinh do hệ thống A-nan, Trung Bộ Kinh do hệ thống Xá-lợi-phất, Tương Ưng Bộ Kinh do hệ thống Ðại Ca-diếp, Tăng-chi Bộ Kinh do hệ thống A-na-luật xếp loại mà truyền thừa riêng biệt nhau.

 

Theo Pháp Hoa Huyền Tán 1, Ðại Thừa Pháp Uyển Nghĩa Lâm Chương 4, Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao Huyền Ðàm 8 v.v..., cả 4 bộ A-hàm và Luật Ma-ha Tăng-kỳ đều do Ðại Chúng Bộ truyền. Còn theo Câu-Xá Luận Kê Cổ quyển thượng thì Trung A-hàm và Tạp A-hàm do Tát-bà-đa Bộ truyền, Tăng Nhất A-hàm do Ðại Chúng Bộ truyền, Trường A-hàm do Hóa Ðịa Bộ truyền, Biệt dịch Tạp A-hàm là do Ẩm Quang Bộ truyền. Tóm lại, A-hàm là do mỗi bộ phái tự truyền riêng, nhưng sau khi Ðại thừa phát triển, kinh điển A-hàm được xem là một tên khác của kinh điển Tiểu thừa. Nhưng Luận Ðại Trí Ðộ thì cho từ A-hàm cũng chỉ chung cho Ðại thừa, nên Kinh Bát-nê-hoàn 6 có từ ngữ "Phương Ðẳng A-hàm". Thuật ngữ Phương Ðẳng A-hàm này chỉ cho kinh điển Ðại thừa.

 

I. Nguyên Do và Sự Thành Lập Kinh A-Hàm

 

Thời đại Phật giáo Nguyên thủy, đệ tử Phật và các tín đồ đối với giáo pháp đã nghe thường dùng thể thơ hoặc những đoạn văn xuôi ngắn gọn, hoặc dùng hình thức truyền miệng lẫn nhau để ghi nhớ truyền thừa. Nhưng vì đệ tử Phật tiếp thu không đồng nên mỗi bộ phái đều có tư tưởng khác nhau. Vì thế, khi giáo đoàn được xác lập, vấn đề chỉnh lý và thống nhất các giáo thuyết của Ðức Phật là một việc làm tất yếu. Nhờ đó, giáo thuyết của Ðức Phật được hoàn bị, lần lần phát triển thành một hình thức văn học riêng biệt, cuối cùng trở thành Thánh điển. Ðó là nguyên do từ đâu có Kinh A-hàm.

 

Kinh A-hàm được thành lập từ lúc nào, phải căn cứ vào số lần kiết tập để luận bàn.

 

* Kiết tập lần thứ nhất

 

Sau khi Phật nhập diệt, vào một mùa hạ, 500 vị A-la-hán tập hợp trong hang Thất Diệp ngoài thành Vương Xá. Ðại chúng cử Tôn giả Ca-diếp làm thượng thủ, cử hành kiết tập lần thứ nhất. Tôn giả A-nan tụng Pháp (Kinh), Tôn giả Ưu-ba-ly tụng Luật. Nguồn gốc sâu xa của Kinh A-hàm bắt nguồn từ lúc này.

 

* Kiết tập lần thứ hai

 

Sau khi Phật nhập diệt khoảng 100 năm, 700 Tỳ-kheo tập hợp tại thành Tỳ-xá-ly. Ðại chúng cử ngài Da-xá làm thượng thủ, cử hành kiết tập lần thứ hai. Lần kiết tập này chủ yếu tụng Luật tạng.

 

* Kiết tập lần thứ ba

 

Sau khi Phật nhập diệt khoảng 236 năm, tức là thời Vua A-dục, đại chúng tập hợp tại thành Hoa Thị, cử ngài Mục-kiền-liên-tử-đế-tu làm thượng thủ, tổ chức kiết tập lần thứ ba. Ðến đây Tam Tạng giáo pháp mới hoàn thành.

 

* Kiết tập lần thứ tư

 

Sau khi Phật nhập diệt 400 năm, dưới sự hộ trì của Vua Ca-nị-sắc-ca, đại chúng tập hợp tại nước Ca-thấp-di-la, cử Hiếp Tôn giả và ngài Thế Hữu làm thượng thủ, cử hành kiết tập lần thứ tư. Lần kiết tập này chủ yếu là luận thích Tam Tạng.

 

Tóm lại, Kinh A-hàm được tụng vào lúc kiết tập lần thứ nhất, từ lần kiết tập thứ hai về sau, tức vào khoảng thế kỷ III trước Tây lịch là thời kỳ Kinh A-hàm chính thức được thành lập.

Thích Nguyên Hiền 

 

Nghiên cứu: