Đọc ba bài thơ về Đức Phật của Rainer Maria Rilke

R. M. Rilke không phải là Phật tử, ông cảm hứng làm thơ về Phật. Ðọc 3 bài thơ về Phật, thoạt tiên ta có cảm giác ông đang đứng xa nhìn về một biểu tượng tôn giáo. Ông nhìn Phật như một người lạ hay một người “hành hương xa lạ” (Ðức Phật 2), cách xa, thoáng chút nghi hoặc, ngập ngừng, tò mò dò dẫm, còn thế tục, như thái độ tìm hiểu của một người Tây phương tầm thường, rồi chưa đầy một thoáng quay người, bỗng nhiên người ấy biến mất mà chỉ còn thi nhân đứng đó, tràn ngập cảm xúc và rung động của con tim trí tuệ: Rilke đã hiểu Phật, thấy, ngộ, lần theo “hướng của con tim”.

 
Vài nét về tác giả
Rainer Maria Rilke (1875 - 1926) người Áo, sinh tại Praha, học triết học, nghệ thuật và văn chương tại Praha, Munchen và Berlin, nhưng không hoàn tất. Từ 1897, ông phiêu lưu qua nhiều nước Âu châu: Nga (nơi ông đã gặp L.N.Tolstoi mà ông ca ngợi), Worpswede (Ðức) (1900), Paris (1903) và những nước khác trong và sau thời thế chiến thứ nhất (Thụy Sĩ, Ý…). Ông mất tại Dưỡng viện Val-Mont vì bệnh hoại huyết.
R. M.Rilke là một trong những thi hào quan trọng nhất của dân tộc Ðức. Trong số các tư tưởng gia và thi nhân Ðức, tên tuổi ông đứng bên cạnh các đại thi hào Goethe, Schiller, Holderlin. Cũng như những nhà thơ này, Rilke đã khai phá cho ngôn ngữ Ðức một thể văn tinh vi sâu sắc và từ đó mở ra một chiều không gian mới cho cảm nhận sáng tạo và mỹ quan thi ca trong văn chương Ðức từ thời tân tiến cho đến ngày hôm nay. Sống trong một thời đại chấn động tư duy Tây phương với những tư tưởng triết lý đảo ngược và nghệ thuật toàn diện của Nietzsche, Schopenhauer, R. Wagner… cùng với sự gặp gỡ những nền tư tưởng Đông phương như Phật giáo, Hồi giáo, Rilke đã trải nghiệm qua chính bản thân sự trốc rễ của con người ra khỏi niềm tin, dân tộc, tổ quốc. Cuộc đời trôi nổi thăng trầm của một kẻ viễn du xa quê hương và gia đình trở nên một thứ định mệnh đọa đày của hiện sinh thi nhân mà Rilke đã sống và không tìm được câu trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa đời người trong giáo điều Thiên chúa. Theo Rilke, tôn giáo phải khai mở cho con người một con đường tìm chân lý bằng những bước chân trên cõi trần chứ không phản bội và bán rẻ con người cho thần linh tối cao trên cõi trời; tôn giáo không phải là tín lý, bổn phận, giới chế áp dụng cho con người đối với đấng tối cao mà là một đột biến tâm cảm, một “sự xúc động trong vòng hiện sinh”, là “điều gì đơn giản vô cùng, đơn sơ vô cùng”, trong “sự rộng mở toàn diện của vũ trụ: nó là chiều hướng của trái tim”. (Brief vom 28-12-1921, thư ngày 28-12-1921). Thái độ từ khước tôn giáo Thiên chúa bắt nguồn từ cảm nhận ấy và cuộc đời của ông có thể được xem là một cuộc hành hương cho thân phận hiện sinh của con người về đất mới của trái tim nhất thể hội nhập, chính những kinh nghiệm này là một trong những khởi điểm của triết lý hiện sinh do Heidegger chủ xướng về sau.
Trong lúc các tác phẩm thi ca, bi kịch và văn xuôi của thời trẻ còn lưỡng lự giữa các khuynh hướng của trường phái duy thiên nhiên, Jugendstil và tân lãng mạn, với tập thơ Mir zur Feier (Cho tôi buổi liên hoan) Rilke đã chuyển sang khuynh hướng ấn tượng với tác phẩm Stunden-Buch (Sách từng giờ) (1905), Buch der Bilder (1902 và 1906) (Sách hình ảnh) và sưu tập Neue Gedichte (Những bài thơ mới) (1907 đến 1908).
Từ những bài thơ ấn tượng đầy nhạc điệu và âm thanh phong phú, R. M. Rilke đã vượt khỏi giai đoạn duy ấn tượng để tiến đến thể cách “thơ - vật thể” (Dinggedicht). Thay vì những ngoại diện mau biến đổi được nắm bắt một cách chủ quan duy ấn tượng, Rilke đi tìm thực thể bên trong của đối tượng vượt khỏi chính đối tượng đã được hàm thụ rõ rệt trong trực kiến khách quan (Anschauen) từ khi ông gặp nhà điêu khắc Rodin ở Paris. Bởi vì chỉ có trực quan thực thể (Wesenschau) mới có thể cho phép ông chuyển tải những đối tượng phù du biến đổi vào trong sự tồn lưu chữ nghĩa (Wortdauer) qua những sáng tạo mới. Những bài thơ nổi tiếng đã được sáng tác trong khuynh hướng này như “Der Panther” (con beo), “Die Treppen der Orangerie” (Các bậc cấp vườn cam), “Romische Fontane” (Bể  phun La Mã), “Das Karussell” (Vòng quay ngựa), “Spanische Tanzerin” (Vũ nữ Tây Ban Nha),v.v.
Từ lối nhìn ấn tượng trong Sách hình ảnh đến cái nhìn trực quan thực thể hiện tượng học trong những bài thơ mới, Rilke đã đưa sáng tác của ông tiến xa hơn đến lĩnh vực “ảo kiến huyền thoại” (mystische Vision) với "Duineser Elegien" (Bi ca tại Duino) (1923). Trong thể cách này, Rilke muốn đạt được lối diễn tả các đối tượng phù du bằng một ngôn ngữ đam mê cùng tận đến nổi thực thể nội tại của chúng được hóa thân và tái tạo trở nên những thực thể mới mẻ. Với những bài thơ sáng tác trong khuynh hướng mới này như “Ausgesetzt auf den Berg des Herzens” (Trần thân trên đỉnh tâm sơn), Rilke muốn thực hiện một cuộc huyễn hóa không gian bên trong của vũ trụ, nhưng chính ngay ở đây Rilke nhận ra được giới hạn của ngôn ngữ, ngay cả ngôn ngữ thi ca sáng tạo, từ đó với Rilke, thi ca mang một ủy nhiệm khám phá không ngừng cõi bờ bên kia của ngôn ngữ và thi nhân là người viễn du trên nhịp sóng chữ nghĩa như Rilke đã lênh đênh một thời.
Về 3 bài thơ “Đức Phật 1, “Đức Phật 2" và “Đức Phật trong hào quang
của R. M. Rilke. 
Cũng như những tác phẩm của H. Hesse, những bài thơ về Ðức Phật của R. M. Rilke đã được giới Phật tử trên thế giới truyền tụng từ lâu. Trong các thập niên 30, 40,  đến 60 và về sau, văn chương của Rilke được giới thức giả Việt Nam biết đến qua những tác phẩm dịch từ tiếng Pháp. 
Với các bài thơ về Ðức Phật, Rilke đã xuất hiện trước giới trí thức Phật tử Việt Nam thời ấy như một “người Ðức trầm lặng”, nhạy cảm, tế nhị và khiêm cung. Hình như chưa có một bắt tay, nhưng ánh mắt và nụ cười đã sẵn, và thơ của Rilke đến,… có một tiếng reo mừng chưa thoát ra khỏi cổ, còn ngập ngừng trong tim, và đã dừng lại không cần, có rất nhiều hồi hộp dò xem ý lạ của một người chưa quen, có cảm giác ngạc nhiên thú vị như vừa được nếm chất ngọt một miếng bánh ga-tô Tây, có một vài vấp ngã trật chân qua ngưỡng cửa chữ nghĩa, rồi chưa kịp lấy hơi, niềm vui được ngồi chung với người "đồng thanh tương ứng" bỗng chan hòa… Ðó là những mảnh hoài niệm đọc thơ của Rilke về Ðức Phật.
R. M. Rilke không phải là Phật tử, ông cảm hứng làm thơ về Phật. Ðọc 3 bài thơ về Phật, thoạt tiên ta có cảm giác ông đang đứng xa nhìn về một biểu tượng tôn giáo. Ông nhìn Phật như một người lạ hay một người “hành hương xa lạ” (Ðức Phật 2), cách xa, thoáng chút nghi hoặc, ngập ngừng, tò mò dò dẫm, còn thế tục, như thái độ tìm hiểu của một người Tây phương tầm thường, rồi chưa đầy một thoáng quay người, bỗng nhiên người ấy biến mất mà chỉ còn thi nhân đứng đó, tràn ngập cảm xúc và rung động của con tim trí tuệ: Rilke đã hiểu Phật, thấy, ngộ, lần theo “hướng của con tim” (Rilke,Thư, đã dẫn). Rilke gặp Phật trong tự tính sâu xa và hồn nhiên của ý niệm chân lý toàn diện nhân bản tại thế ấy. Chính thể nghiệm thi ca “tâm truyền tâm” này đã làm cho R.M. Rilke trở thành một khám phá mới cho sự liễu tri kinh nghiệm chứng ngộ trong Thiền học đối với các nhà Phật học Tây phương.
Rilke đã trước tác những bài thơ này trong giai đoạn thi ca của ông đang ở trong trào lưu duy ấn tượng. Ta biết về hình thức, phái ấn tượng chú trọng thái độ quan sát, thụ động của tác giả, sự khám phá những từ ngữ chuẩn đích và tinh vi, sự sắp đặt các lời phát biểu và sự làm tối nghĩa qua các đại danh từ trung tính vô định (ví dụ: nó, người ta, cái ấy) cũng như qua phép đồng giác (Synasthesie) và phép phản thể (Oxymoron).
Về nội dung, tác giả của trường phái này tìm kiếm những ấn tượng khoảnh khắc bắt gặp được trong thoáng chốc (kairo), sự giao thoa giữa hiện tượng phù du ảo ảnh và thể tính thường còn, sự khải ngộ chân lý trong giờ phút tương phùng với thần linh…
Trong “Ðức Phật 1", “Ðức Phật 2", “Ðức Phật trong hào quang”, người đọc tìm thấy các yếu tố nói trên được Rilke ứng dụng trong ngôn ngữ Ðức một cách tài tình điêu luyện, đầy chất thơ. Và đây chính là điểm khó khăn vô cùng cho người dịch, nhất là dịch Việt.
Trong ngôn ngữ Việt, những bài ca tụng Phật đã có một truyền thống thơ văn kinh kệ tụng phong phú, ngôn ngữ trùng trùng điệp điệp có thể nâng ta lên bình diện hội nhập tâm linh. Với Rilke, người dịch có cảm tưởng phải ngưng thần, dừng lại, quay về với từng chữ đơn, mộc, cụ thể như từng ấn tượng một của mỗi giác quan: “sự lắng nghe” (Buddha), “cảm nhận” (tượng Phật), vị giác “thịt của trái cây” (Phật trong hào quang), với những trạng từ vô định và cú pháp điều kiện ảo (irreal): diễn tả trạng thái tâm lý gặp gỡ một siêu nhân cao cả: “dường như” (“als ob” trong Buddha), nếu như, ví như (“wenn…dann” trong Buddha), rồi thì (“dann", Budda), vì (“denn", Buddha in der Glorie) và nhất là chữ “và” (“und”, trong cả ba bài thơ). Rilke sử dụng chữ “và” như một dấu nhấn cho từng ấn tượng một, để làm “tròn’ ấn tượng ấy trước khi đưa một ấn tượng kế tiếp theo sau. Ta biết trong ngôn ngữ Việt, những chữ này có thể đem đến vấp ngã trong câu thơ.
Cũng thế, rất duy ấn tượng, Rilke đã dùng những đại danh từ ngôi thứ ba hay thứ hai để nói về Phật hay Phật tính: “ER”, “ihm” (trong Buddha), “alles” (tất cả) “das, was” (cái ấy) và không đả động một danh hiệu nào của Phật, trong lúc danh hiệu Phật được sử dụng có đến 10: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô thượng Sĩ Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
1. Ðức Phật 1
Không sử dụng một danh hiệu Phật ngoài đề tựa BUDDHA, Rilke - không có gì hơn -  trong trường hợp này hoàn toàn giao phó cho ấn tượng giác quan và cảm xúc sáng tạo của chính mình: Phật đối với ông là “sự tĩnh lặng” rất xa nhưng lại là một “vì sao” mắt trần có thể thấy được - và đây là ý niệm khác với ý niệm Thượng đế trừu tượng như một “trái cây đã bị hút hết nước ngọt” (Brief vom 17-12-1912, Thư ngày 17-12-1912) mà Rilke từ chối - so với những vì sao mà con người không thấy được trên những tầng trời cao hơn, ngôi sao Phật tuy “xa” mà lại “gần”, vì “gần” cho nên ngôi sao này là điểm giữa của tất cả những sao vô hình của vũ trụ, một ngôi sao “nhân” bản và “nhân loại” trong ý nghĩa thập loại chúng sinh, cho nên Phật được cảm nhận như “vì sao” mà cũng như con thú uể oải (Ðức Phật 1), một tượng vàng ròng (Ðức Phật 2), một hạt hạnh nhân ngọt ngào (Phật trong hào quang)… Nhưng Phật là “tất cả” và là một “tất cả như thật” nguồn suối năng động của sự trở thành Phật trong ức kiếp luân hồi. 
Giữa những ấn tượng đơn lẻ về Phật và ý niệm Ðức Phật như một toàn thể, ta đã tưởng có một bước nhảy hụt hẫng từ hình ảnh qua ý niệm, nhưng Rilke đã đưa cho ta một chiếc cầu - nói như Hakuin - một chiếc cầu đang trôi - và là một chiếc cầu vô niệm chảy qua bằng phản thể (Oxymoron) của tác động hay chủ từ tác động (Ta dừng lại, không còn nghe im lắng, “Ðức Phật 1"), những tương phản giữa thật và ảo, giữa tàn phai và bất diệt, giữa có và không… Sự chuyển tiếp không xảy ra một chiều mà luân lưu trong câu thơ, tạo nên một thức tỉnh sống động bằng những tra vấn, nghi ngờ như những lá cửa mở ra rồi sập đóng, thôi thúc tìm kiếm nhận mặt và từ đó khi những ngọn gió đùa ngừng lại, người đọc gặp được như cùng một lúc với Rilke một Ðức Phật sống động đến gần ta từ hướng con tim…
     Trong bài thơ “Ðức Phật 1”, từ một thế ngồi giả định “Als ob” (hình như) của Phật, tĩnh lặng xa xôi bất động, Rilke đã sử dụng phép phản thể (Oxymoron) gấp đôi trong câu thứ hai: kẻ chiêm ngưỡng Phật vừa “dừng lại và không nghe tĩnh lặng nữa”, có một sự bất ngờ trong câu thơ, người đọc đã tưởng dừng lại để nghe tĩnh lặng, nhưng không, Rilke không tĩnh lặng, Rilke bắt đầu nhìn “thấy”. Chữ “không” đã biến đổi tư thế của người chiêm ngưỡng. Không phải là Ðức Phật ở xa kia mà chính sự quay lại “không nghe” của người chiêm ngưỡng là sự khởi đầu bài thơ về Phật, trở về vạn hữu muôn vẻ để tìm nhân diện Phật.
Những nét ấn tượng tiếp theo là những kinh nghiệm đơn lẻ cụ thể: sao trời, con thú, ý niệm toàn diện, hạnh từ bi, hạnh tự tại và rốt cùng thực chứng về “CÁI ẤY” “das, was”, và Phật không được gọi tên xác định mà chỉ là một hóa thân của ý niệm giải phóng chúng sinh toàn diện.
Trong đoạn cuối của bài thơ, người dịch đã phải sử dụng hai danh hiệu của Phật thay đại danh từ “ER” để chuyển tải nội dung mà Rilke muốn diễn tả: “Thế Gian Giải” người hiểu rõ thế gian và “Như Lai” “người đến như thế trên thế gian” với hy vọng không phá vỡ ý nghĩa của bài thơ và ngược lại làm rõ chủ ý của bài thơ. Trong ngôn ngữ Phật giáo, ta thường gặp chữ “NHƯ” (Sosein), diễn tả thực tại thường nghiệm cũng như chân lý trong thể tính tự tại của nó. Trong tinh thần chứng ngộ từ kinh nghiệm cụ thề của chữ “như” viết nhỏ như là một phần của chữ NHƯ viết lớn hiểu là toàn diện thể tính (Sein) hay cái “Tất cả”, có thể hiểu Rilke đã cấu trúc bài thơ bằng chuỗi hạt ấn tượng của “như” để khi chuỗi hạt hình thành, ta lượm được một hình ảnh Như Lai toàn vẹn. Trong mỗi đoạn của bài dịch, chữ “như” cũng đã được sử dụng với dụng ý như trên, cho nên ý niệm Như Lai và Thế Gian Giải được dùng với hy vọng không phản. 
Với hình ảnh “Phật” là kẻ “từng trải” qua vạn kiếp trong câu thơ cuối, Rilke đã trả lời cho hình ảnh “ngồi lặng yên” trong câu thơ mở đầu và khép tròn ý niệm Ðức Phật “bất động và giải phóng”. Có thể nói không quá đáng, Rilke đã đạt được sự thi hóa trí tuệ Bát nhã trong vô niệm sáng tạo của thi ca, ở đó Rilke cho ta đến gần nhất với Phật hơn một bài giảng đạo nào. 
2. Ðức Phật trong hào quang
Có những may mắn hay rủi ro bất ngờ khi hai ngôn ngữ gặp nhau. Thật là một sự may mắn đầy thú vị khi Rilke dùng hình ảnh hạt hay quả “Mandel” (hạnh nhân) để diễn tả ý niệm Phật là trung tâm của tất cả trung tâm, hạt nhân của tất cả hạt nhân, trong bài “Ðức Phật trong hào quang”. Từ  “Mandel” tiếng Hán Việt là “hạnh nhân”, đây là một tình cờ may mắn có thể chuyển tải ý thơ của Rilke về Ðức Phật bằng một ví dụ tuyệt hảo như thế: do đấy “hạnh nhân” được người dịch sử dụng theo lối chơi chữ phóng khoáng của ngôn ngữ Việt: “người trồng cây hạnh mà chơi, ta trồng cây đức để đời về sau” nhưng đồng thời cũng diễn tả được ý niệm “bất tử” của Ðức Phật mà Rilke muốn chuyển đạt. 
Ðọc “Ðức Phật trong hào quang”, trước tiên người đọc bỡ ngỡ không tìm thấy một ánh hào quang chói lọi nào. Hình tượng ánh sáng duy nhất trong thơ là “mặt trời số nhiều” (die Sonnen) làm chín quả hạnh nhân, nhưng tất cả mặt trời của  thái dương hệ “sáng ngời và hực nóng” cũng có lần xuống núi khuất đi, chỉ có mầm “nhân” trong quả “hạnh” là sự trỗi dậy bất tử, vượt qua mọi hào quang phù du biến đổi không ngừng. Từ bỡ ngỡ với “hào quang tắt bóng” mà Rilke diễn tả rất tượng hình “umgedreht” (lật ngược lại), người đọc kinh ngạc cảm nhận một thứ ánh sáng mới trong bài thơ, như một cú chớp, một đột biến của con tim, một thứ “satori” mới, một “giác ngộ thi ca” mà Rilke trao tặng khi dùng hình ảnh quả “hạnh nhân” để diễn tả. Tình cờ hay trực giác - có lẽ cả hai -  thi nhân – và có lẽ chỉ có thể là thi nhân như Rilke – đã thâu tóm cả nhân sinh quan Phật giáo từ thuyết vô thường cho đến thập nhị nhân duyên và "bất tử" theo ý nghĩa “vượt trên sống chết” bằng một hạt hạnh nhân vừa chín tới, một quả hạnh nhân xác thịt, sắc thân (Fruchtfleisch) ân huệ của thiên nhiên, nhưng trong vô cùng của nó là rỗng không (Schale)(1) như một lớp vỏ mỏng manh, không có gì vướng bận, thảnh thơi, một rỗng không “vô danh thiên địa chi thủy”. Với hình ảnh đơn sơ mộc mạc và nhạc điệu đầy tượng hình, Rilke có thể nói lên “điều không thể nói” (das Unsagbare) trong lúc thiên kinh vạn quyển đã được viết ra và còn được viết về "điều ấy".
Trong ánh sáng của “giác ngộ thi ca”, thơ Rilke như một ngón tay chỉ “hướng về con tim”, là nơi Phật ở trong tâm, bất diệt, như một niềm hỷ lạc thực chứng, khởi đầu của giác ngộ giải phóng.
3. Ðức Phật 2
Trong bài thơ “Ðức Phật 2”,  Rilke đổ dồn mọi ấn tượng của người chiêm bái tượng Phật trong suốt bài thơ mà không rút ra một nhận xét lý thuyết như trong đoạn kết của hai bài thơ trên: từ đàng xa đến gần, lạ lùng, lầm tưởng, phát hoảng, thán phục, đi chung quanh, nhận ra tất cả chỉ là vật liệu của một pho tượng bằng vàng hay sơn son thếp vàng nhưng lại thấy “KHÁC”: làm thế nào để diễn tả “CÁI KHÁC” của Phật, của tượng Phật với những chất liệu làm nên tượng? Ngoài cách nói so sánh “KHÁC HƠN”? Rilke đã dùng phương pháp so sánh ấy, nhưng thi nhân đã đi xa hơn bờ ngôn ngữ giới hạn của nhị nguyên “cái này khác cái kia”, bằng cách trở về chính “ấn tượng” để làm SỐNG “tượng Phật”, trả lại thể tính uyên nguyên của Phật. Cuối bài thơ, Rilke dùng chữ “beruhrend” (đụng, chạm, sờ) một tác động gây ấn tượng, như chìa khóa mở vào một chiều không gian mới. Trong chiều không gian ấy, ấn tượng vừa thụ động mà vừa tác động tạo nên một khoảnh khắc hiện sinh nhất thể hội nhập, bởi lẽ lần này chủ thể “sờ” không phài là kẻ chiêm bái mà là chính pho tượng và pho tượng lại không “sờ” ai cả mà sờ “không gian”, “sờ” cả thế giới trong thế ngồi tròn trịa trên tòa sen. Nhưng đụng chạm mà không động, không phá vỡ, ngược lại hòa bình và yên ổn vây quanh và tỏa khắp bởi vì không gian và Phật không khác, thế giới và Phật không hai. Ta biết trong lý thuyết Phật khái niệm “đụng chạm, cảm xúc” là một trong 12 thập nhị nhân duyên gây nghiệp sân hận tham ái chiến tranh, tạo ra luân hồi truyền kiếp. Rilke đã lật ngược khái niệm này và trao nó vào tay pho tượng đang ngồi. Dùng khái niệm “beruhrend” để tạo nên nét sống động của một pho tượng ngồi im, bằng cảm xúc thi ca, Rilke đã làm nổi bật thể tính đồng nhất hòa hợp của Ðức Phật, cả toàn thân và toàn tâm “không tranh cãi với thế gian”. Âm hưởng câu thơ cuối cùng như  tiếng của một mái chèo vừa khuấy nước và tiếng sóng lan xa, làm cho người đọc như được cảm nhận hơn một lần Rilke đang vượt bờ giới hạn của ngôn ngữ để đưa thi ca và giác ngộ hòa nhập trong nguồn suối sáng tạo không ngừng. 
Từ đó dịch thơ Rilke, là một niềm hỷ lạc nhưng cũng là một khổ nạn bị giam lỏng trong mấy lần giới hạn. Ý thức điều đó nên người dịch chỉ biết cố gắng trung thực tối đa với nỗi áy náy mong được là “lời quê góp nhặt”.
  Đức Phật 1
Dường như Ngài đang lắng nghe. Tĩnh lặng: cõi xa…
Ta dừng lại và không còn nghe im lắng
Và Ngài là vì sao. Và những sao trời khác lạ,
mờ mịt mắt trần, lũ lượt về quanh tinh đẩu sáng. 
Ôi, Ngài là tất cả. Chân như đó, có phải ta chờ
Ngài thấy ta? hay Ngài cần phải thấy?
Thảng như nơi đây ta phủ phục trước Ngài,
Ngài vẫn như con thú uể oải trầm sâu tự tại.  
Từ ức kiếp luân lưu trong thân Thế Giải(2)
Mầm thiện duyên thúc giục đến bên Ngài
Như Lai, Kẻ xả bỏ những gì con người từng trải.
Và Kẻ "từng trải" những điều khuyên người lầm lạc bỏ mê.
 Cuối năm 1905.

 Đức Phật 2
Từ đằng xa, rụt rè, lạ lẫm, 
kẻ hành hương cảm nhận
tượng đâu mà vàng chảy thành dòng
như thử có các nhà giàu hối lỗi ăn năn
đem hết của giấu kín chất lên thành đống.
Nhưng lại gần hơn, y bỗng phát điên 
Trước vẻ cao cả của nét mày thanh thoát
Ðây chẳng thấy bộ tách trà quý tộc  
Cũng không hoa tai trang sức quý
phu nhân
Nào có ai biết nói giùm cho,
hiện vật gì đã được bỏ vào nung chảy,
để bức tượng này trên đài hoa ấy
được dựng lên: lặng lẽ hơn, vàng dịu êm hơn
một pho tượng vàng ròng và toàn thể chu thân
(cũng) sờ nhẹ không gian
 như thoa nhẹ chính mình.
 19.7.1906, Paris
  Đức Phật trong hào quang
Tâm của toàn Tâm,
Nhân của Nhân
Quả Hạnh Nhân - vừa viên thành, thấm ngọt
Cái TẤT CẢ ấy vút đến sao trời muôn một
Là xác thịt quả nhân: xin chào hân hạnh! 
Hãy xem! Nơi thân này còn chi vướng bận,
trong vô cùng là lớp vỏ ngoại thân
và nơi đó mật dâng đầy tràn ứ
và bên ngoài ấp ủ ánh hồng quang
Bởi lẽ trên tận đỉnh cao kia, tròn đầy hực nóng
Vầng thái dương đang chuyển bóng tà dương            
Nhưng "quả thật" chính từ trong trái hạnh
đã trỗi mầm nhân vượt qua mọi vầng dương.
THÁI KIM LAN

(1)  Ý niệm “sunyata” của đạo Phật có từ gốc là “svi”: phồng lên, sunyata do đấy  nghĩa  là “cái gì như màn bọc ngoài được thổi phồng lên” do đấy ở trong là rỗng , “svi” có liên hệ nguồn gốc với  từ ngữ  Hy Lạp  “thai nghén”, hay theo Lão Tử phần trong của cái chén là rỗng, một tình cờ Rilke dùng chữ  “Schale” là lớp vỏ  của quả hạnh nhân, và Schale cũng là cái chén theo nghĩa rỗng không của Lão Tử.
(2) Thế Giải: một danh xưng của Phật là: Thế Gian Giải: người hiểu rõ thế gian. 10 danh xưng truy tặng cho Ðức Phật là: Như  Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

theo chuyenphapluan.com

Văn học: