Vài suy nghĩ sau lễ quy y cho đồng bào dân tộc Tây Nguyên

Trong những năm gần đây, chính sách Tôn giáo của Nhà nước không ngừng được cải thiện kéo theo đó  là ngày càng nhiều các cơ sở thờ tự của Phật giáo được trùng tu, xây mới khang trang, bề thế trong đó có nhiều quần thể chùa được đánh giá có giá trị mang tầm cỡ quốc tế. hệ thống các cấp quản lý của Giáo hội từng bước được củng cố và chuyên môn hoá chuyên sâu.
 
 

Các cơ sở đào tạo Tăng tài được mở rộng từ cấp Trung ương đến địa phương, xu hướng xã hội hoá Phật giáo đời sống của người dân ngày càng phát triển. Ngày nay, chúng ta không còn thấy cảnh chỉ có các già là những người đi chùa lễ Phật, tụng kinh mà có đủ các lứa tuổi, tầng lớp trong xã hội đến chùa lễ Phật, tu học trong những đạo tràng và trực tiếp tham gia hoạt động của Phật giáo. Vào ngày mùng 1 tết, thay vì đi đến các địa điểm vui chơi giải trí công cộng, người dân chủ yếu lên chùa lễ Phật và cầu xin những điều tốt đẹp, may mắn trong cuộc sống cho bản thân, gia đình, cho đất nước và rộng ra cho cả thế giới an lành và phát triển. Những năm gần đây, điều đáng mừng nữa là Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã có sự quan tâm hỗ trợ rất có hiệu quả đối với đời sống tín ngưỡng, tinh thần của bà con Việt Nam ở nước ngoài thông qua việc hàng năm vào dịp Đại lễ Phật đản  TƯGHPGVN cử các đoàn gồm nhiều chư tôn đức giáo phẩm cao cấp sang Hoằng Pháp và phục vụ tín ngưỡng cho bà con. Điều này đã góp phần không chỉ nâng cao uy tín, ảnh hưởng của Nhà nước và Giáo hội đối với quốc tế mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Sau Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI, thực hiện theo tinh thần chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ 2007 - 2012 của GHPGVN, toàn thể các ban, ngành của Giáo hội đã ra sức đẩy mạnh các hoạt động phối kết hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Phật sự. Một trong những thành công lớn đó là trong tháng 4 - 2009 vừa qua, ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kon Tum đã phối hợp với ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương tiến hành tổ chức lễ Quy y cho gần 4000 Phật tử chủ yếu người dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum. Lễ quy y đã gây được tiếng vang và nhận được sự tán thán rộng rãi của các giới trong và ngoài nước.
 

 
Việc đưa văn hoá Phật giáo vào đồng bào dân tộc thiểu số cũng như khu vực vùng sâu, vùng xa là việc làm rất quan trọng không chỉ có ý nghĩa đối với Giáo hội mà còn có ý nghĩa góp phần ổn định An ninh - Chính trị ở những vùng phên dậu* của Tổ quốc. Công việc này đã nhiều lần được đề cập trong các Hội nghị, kỳ Đại hội và thực tế đã có những triển khai nhưng chất lượng hiệu quả chưa được bao nhiêu. Chính vì vậy lễ Quy y cho đồng bào dân tộc ở Kon Tum vừa qua có thể coi là bước đột phá lớn không chỉ riêng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kon Tum mà còn có ý nghĩa đối với Giáo hội trong công cuộc Hoằng dương Chính Pháp, truyền bá Đạo Phật, xây dựng xã hội an vui tới đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên nói riêng cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung.

 
Trên vùng đất Cao nguyên đại ngàn, đầy nắng và gió, hoà quyện cùng những nét văn hoá của các dân tộc cư trú trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã tạo nên một vùng văn hoá - vùng văn hoá các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên, nơi chứa đựng những giá trị văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần mà không phải tộc người nào ở trong nước hay khu vực cũng có được. nói đến tín ngưỡng, văn hoá truyền thống của người Tây nguyên, chúng ta có thể biết được quan niệm “ Vạn vật hữu linh - cùng với tín ngưỡng đa thần”. Tín ngưỡng thờ Thần của người dân các dân tộc Tây Nguyên rất phong phú và đa dạng như thần Mặt trời, thần Rừng, thần Nước ... gọi chung là “Yàng”. “ Yàng” cũng giống như vị “Thành hoàng” ở những làng quê của người Kinh, là một vị thần rất linh thiêng, cao quý, luôn phù hộ, che chở, bảo vệ cho buôn, làng vì thế đồng bào tuyệt đối tin tưởng và thường xuyên cúng tế. Yàng là một vị Thần có mọi quyền lực chi phối đến con người, là nơi trừng phạt cũng như làm phúc cho bất kỳ một người nào. Bên cạnh những vị thần quan trọng, đồng bào dân tộc Tây Nguyên còn thờ kính các vị Thần như thần Cọp, bà Thiện, bà Ác, thần Núi, thần Nước ... Cùng với tín ngưỡng thờ Thần, người Tây Nguyên có rất nhiều lễ hội trong đó có các lễ hội như lễ hội Bỏ Mả, hội Đâm Trâu, hiện tượng vua lửa đến phong trào Nước Vía, phong trào Ma loko, lễ Trưởng thành của chàng trai, lễ cúng bến nước, lễ cúng lúa mới, lễ cúng nhà mới, lễ rước Kpan ... Trong các lễ hội không thể không nhắc tới rượu cần và cồng chiêng. Rượu cần và cồng chiêng chính là linh hồn của tất cả các nét sinh hoạt văn hoá truyền thống của người dân nơi đây. Đề cập đến những vấn đề trên của người Tây Nguyên để minh chứng một điều rằng người dân Tây Nguyên bắt đầu đến với Phật giáo không chỉ là một chỗ dựa tinh thần to lớn, vững chãi mà còn thấy ở đó sự cảm thông, chia sẻ đầy tính nhân văn.

 
Để có được thành công của buổi lễ Quy y này, chúng ta tán thán công đức của các thầy trong ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kon Tum, những trưởng tử của Đức Như Lai đã không quản ngại khó khăn vất vả, cố gắng khắc phục những thiếu thốn vật chất, tinh thần, vượt lên trên những rào cản về ngôn ngữ, phong tục tập quán, những nghi ngại về sắc tộc để đem tư tưởng, ánh sáng của Đức Thế Tôn đến với đồng bào dân tộc Tây Nguyên.

 
Tuy đã có những thành công trên nhưng đó thực sự mới chỉ là thành công bước đầu của ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kon Tum trong công cuộc đưa tư tưởng Phật giáo đến với đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Trong khi đồng bào chưa hiểu được nhiều về Phật giáo thì việc thường xuyên trực tiếp quan tâm, vun đắp để họ thấm nhuần tư tưởng đạo Phật là việc rất cần thiết. Nếu không làm như vậy thì hiện tượng “Nhạt đạo” khi đạo mới chớm nở là việc rất dễ xảy ra. Bên cạnh đó, những lo lắng cho cuộc mưu sinh bởi hầu hết kinh tế của người dân Tây Nguyên vẫn còn gặp nhiều khó khăn sẽ chi phối, ảnh hưởng đến việc tiếp nhận đạo.

 
Trong lễ Quy y, bản thân tác giả đã tìm cách tiếp cận một số Phật tử người dân tộc đến tham dự nhưng hầu hết những người này đều không nói được tiếng Kinh, tác giả phải nhờ đến phiên dịch để hỏi với đại ý rằng: Đức Phật nghèo lắm, hôm nay đến với Ngài, Ngài cho gạo, cho muối, cho tiền. Ngày mai đến mà Ngài không có để cho thì còn theo Ngài không. Câu trả lời mà tác giả nhận được chỉ là những nụ cười chất phác thơ ngây. Những nụ cười này buộc chúng ta, những người được coi là sứ giả của Đức Như Lai phải suy ngẫm để từ đó có ý chí quyết tâm, lòng kiên trì hơn nữa trong công cuộc Hoằng dương Chính Pháp vào một thế giới tưởng như thân quen nhưng lại hết sức mới mẻ, thế giới của các dân tộc người anh em.

 
 Nước Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 14% dân số. Con số này không phải là nhỏ so với đất nước gần 90 triệu người. Công cuộc hoằng pháp đối với đồng bào dân tộc ở khu vực miền Nam, miền Trung thời gian qua đã có những động thái tương đối tích cực trong khi đó ở miền Bắc hoạt động này thực tế còn rất khiêm tốn nếu chưa nói là chưa đạt kết quả. Có rất nhiều nguyên nhân để lý giải cho điều đó nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là nhân lực thiếu, ít Thầy biết được tiếng dân tộc trong khi địa hình khu vực miền núi phía Bắc hiểm trở, phức tạp và nguồn kinh phí chủ yếu là tự túc. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân chủ quan như hiện tượng ngại khó, ngại khổ, chưa ý thức được ý nghĩa, tầm quan trọng trong việc đưa ánh sáng đạo Phật đến với đồng bào dân tộc anh em.

 
Để công cuộc đưa đạo Phật đến với đồng bào dân tộc nói chung và dân tộc đồng bào khu vực phía Bắc nói riêng có những chuyển biến hiệu quả, tác giả xin đưa ra một số giải pháp cơ bản sau:

 
- Trước hết, Giáo hội cần liên hệ với chính quyền địa phương các tỉnh đặc biệt các tỉnh khu vực miền núi có đồng bào dân tộc sinh sống mà chưa thành lập được ban đại diện thì nhanh chóng phối hợp thành lập vì đây là cơ sở pháp lý để các Thầy có điều kiện thực hiện sứ mệnh của mình.

 
- Học viện có cơ chế hàng năm cử các đoàn Tăng Ni sinh đến các tỉnh vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa để giúp đỡ, tiến hành các hoạt động từ thiện đồng thời tiến hành các hoạt động thuyết pháp để bà con có điều kiện từng bước tiếp cận, làm quen và đến với đạo Phật. Học viện cần coi đây như là một hoạt động ngoại khoá cho các Tăng Ni sinh và thông qua các hoạt động này kêu gọi các Tăng Ni trẻ có tâm huyết sau khi tốt nghiệp trở lại vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa để thực hiện sứ mệnh của người con Phật.

 
- Giáo hội nên cử các Thầy có uy tín, tâm huyết lên phụ trách các tỉnh khu vực miền núi trong đó hàng năm nghiêm túc kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đặc biệt là việc phát triển đạo vào đồng bào dân tộc, đồng bào vùng sâu, vùng xa. Đi đôi với việc kiểm tra giám sát là có hình thức, cơ chế hỗ trợ, khen thưởng kịp thời để khích lệ, động viên tinh thần gương sáng phụng sự đạo Pháp của các cá nhân tập thể điển hình. Việc hỗ trợ là rất cần thiết vì hoạt động này đòi hỏi phải tốn nhiều công của, do vậy việc hỗ trợ nên bằng tiền, hiện vật. Giáo hội hàng năm nên có một số lượng tiền và hiện vật hợp lý (trích từ ban Từ Thiện) để giao cho các tỉnh chỉ với mục đích phục vụ công tác từ thiện và hoằng Pháp vào đối tượng đồng bào dân tộc, đồng bào khó khăn vùng sâu, vùng xa. Hình thức khen thưởng ngoài những bằng khen, giấy khen ghi nhận công đức Giáo hội nên có cơ chế ghi nhận kết quả hoạt động để có đề bạt, bổ nhiệm hợp lý.

 
- Ban Trị sự, ban đại diện các tỉnh cần nhanh chóng xúc tiến tuyển chọn những người dân tộc (tốt nhất là những người biết tiếng Kinh), có tâm xuất gia để gửi về các trường Phật giáo đào tạo. Đây là những đối tượng ưu tiên, không cần qua thi cử để sau này tốt nghiệp sẽ về địa bàn cũ phục vụ tín ngưỡng cho đồng bào dân tộc mình thì hiệu quả sẽ cao hơn.
 

 
- Giáo hội cũng như ban Trị sự, ban đại diện các tỉnh, thành cần tăng cường quan hệ, tiếp xúc với các cấp chính quyền địa phương để hai bên có sự hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau để thực hiện tốt mục tiêu Đạo Pháp - Dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội.

 
- Ban Hoằng Pháp, ban Hướng dẫn Phật tử, ban Từ Thiện, ban Giáo dục Tăng Ni, phải là lực lượng nòng cốt và có mối quan hệ chặt chẽ, thường xuyên phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau thì công cuộc truyền bá Đạo Phật đến đồng bào dân tộc thiểu số chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao.

 
Trên đây tác giả chỉ đưa ra một số giải pháp cơ bản để ánh sáng, tư tưởng của  đức Phật nhanh đến với đồng bào dân tộc, đồng bào vùng sâu, vùng xa ở khu vực miền núi phía Bắc. Sẽ còn nhiều, rất nhiều các biện pháp hay, cụ thể nhưng cái chính là tâm huyết, sự quyết tâm của những người trực tiếp thực hiện sứ mệnh. Nếu không có tâm huyết, sự quyết tâm thì sứ mệnh này sẽ không bao giờ thực hiện được dù có bao nhiêu biện pháp hỗ trợ đi nữa. Chúng ta vẫn thường nghe câu: “Đạo Phật dấn thân”, nhưng nghe và hiểu thôi chưa đủ, mỗi người trong chúng ta phải có trách nhiệm biến khẩu hiệu đó thành hành động thực tế để sự nhiệm màu trong tư tưởng, giáo lý của đức Phật được trải rộng tới tất cả mọi miền đất, mọi dân tộc anh em của tổ quốc Việt Nam.

.......................

* Biên cương
 
TT Thích Thanh Điện

Đời sống: